Thực hư thông tin gian hàng tại Lễ hội Bánh mì Việt Nam bán bánh bị mốc
Ngày 22/5, thông tin tổng kết sau lần 2 (diễn ra các ngày 17-19/5), bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội TPHCM cho biết, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong lễ hội được làm việc rất chặt, kiểm tra liên tục từng gian hàng, với sự phối hợp, tham gia của Sở ATTP TPHCM.
“Đến tận ngày cuối cùng (tối 19/5), chúng tôi vẫn rất lo chuyện ATTP, nhưng không có vấn đề gì. Đây là thành công lớn. Sau 3 ngày diễn ra lễ hội, ước tính có khoảng 150.000 khách đến trải nghiệm. Lễ hội được UBND TPHCM đánh giá tốt, sẽ được tạo điều kiện để diễn ra hàng năm”, bà Khánh cho biết.
Tuy nhiên, một vấn đề nan giải ở lễ hội là việc giữ xe khó khăn. Thời điểm quá đông khách, công viên Lê Văn Tám (nơi tổ chức Lễ hội Bánh mì) hết sạch chỗ giữ xe. Các nhà dân, khách sạn xung quanh cũng vào cuộc lo việc này, nhưng không thể phục vụ xuể.
Bà Khánh cũng tiết lộ, trong suốt chương trình, có một trường hợp du khách chụp hình một loại bánh dân gian phản ánh trên mạng xã hội, cho rằng bánh bị mốc.
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ban tổ chức đã làm việc với các bên liên quan và xác định, bánh không bị mốc như phản ánh. Nguyên nhân là vì lượng khách quá đông, người bán phải làm liên tục, nên có để cạnh khu vực làm bánh bao chỉ. Bột của bánh bao chỉ rơi vào bánh dân gian, khiến khách tưởng nhầm bị mốc.
Đại diện ban tổ chức cho biết đã phân công nhiều nhân sự tăng cường giám sát vấn đề thức ăn, nước uống, rác thải và cảnh quan, cứ khoảng 2 giờ đồng hồ là đi kiểm tra một lần. Thậm chí, chỉ cần thấy thực phẩm ở các gian hàng có dấu hiệu thay đổi về màu sắc là đã làm việc ngay với người bán.
Về rau và dưa chua, bà Khánh nhận định, đây là các thành phần làm nên hương vị bánh mì Việt Nam. Dù vậy, ban tổ chức cũng tính đến trường hợp để thời gian kéo dài có thể không đảm bảo, nên khuyến cáo du khách và người bán nên bỏ riêng ra nếu mua về, đến khi ăn mới bỏ vào.
“Trước lễ hội, chúng tôi đã mời tất cả gian hàng đến tập trung để triển khai, nhận phiếu ký tên vào bảng cam kết về đảm bảo ATTP, làm rất kỹ. Nhiều cơ sở nổi tiếng ở các tỉnh muốn tham gia, đặt gian hàng nhưng không có giấy chứng nhận ATTP, chúng tôi đều từ chối”, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM khẳng định.
Kiểm soát an toàn thực phẩm tại Lễ hội Trái cây Nam Bộ
Từ ngày 1/6 đến hết ngày 31/8, Lễ hội Trái cây Nam Bộ lần thứ 20 – hoạt động thường niên của TPHCM – sẽ diễn ra tại khu du lịch văn hóa Suối Tiên (TP Thủ Đức). Lễ hội này có sự phối hợp của Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TPHCM, Sở Nông nghiệp TPHCM, UBND TP Thủ Đức cùng nhiều sở, ban ngành khác.
Ngoài hàng loạt các hoạt động giới thiệu những chủng loại trái cây miền nhiệt đới, trái cây độc lạ, triển lãm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, khánh thành Vườn cây Hữu nghị (Friendship Garden) của 27 quốc gia…, lễ hội còn có hoạt động ẩm thực văn hóa ba miền Bắc – Trung – Nam. Do đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) cũng rất được quan tâm, trong bối cảnh gần đây TPHCM và các địa bàn lân cận xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Ban tổ chức cho biết, thức ăn cung cấp trong Lễ hội Trái cây Nam Bộ được kiểm soát rất chặt, khi chỉ thông qua một đầu mối là hệ thống nhà hàng ẩm thực của Suối Tiên. Ngoài ra, các đơn vị ẩm thực được lựa chọn tham gia đều là những thương hiệu nổi tiếng.
Ban tổ chức cũng lập một tổ chuyên trách xử lý về vấn đề ATTP và phòng cháy chữa cháy, mỗi buổi sáng – chiều đều tiến hành kiểm tra, giám sát các khu vực diễn ra lễ hội. Trong trường hợp cần thiết, Ban tổ chức Lễ hội Trái cây Nam Bộ sẽ liên hệ sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng TP Thủ Đức.